Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trường PTDT Nội Trú THCS và THPT Bắc Hà Tổ chức hiệu quả các câu lạc bộ và các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường nhằm góp phần tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Trường PTDT Nội Trú THCS và THPT Bắc Hà  
Tổ chức hiệu quả các câu lạc bộ và các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường nhằm góp phần tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trường PTDT Nội Trú THCS và THPT Bắc Hà đã tổ chức hiệu quả các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ (CLB) trong nhà trường, góp phần tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
 Tập thể CBGVNV nhà trường trong Lễ kỷ niệm 20/11

Thực hiện mục tiêu trên, nhà trường đã tổ chức hiệu quả mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” bằng việc lựa chọn mô hình “Trường học nông trại”. Kết quả sau 4 năm thực hiện mô hình, Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bắc Hà đã trở thành một trong những điểm sáng tích cực của mô hình Trường học nông trại. Nhà trường đã tổ chức các hoạt động thực tiễn gắn với mô hình trường: đó là các hoạt động: Muối dưa, làm lạp sườn, thịt hun khói, trồng và chăm sóc rau tại vườn rau nhà trường, chăm sóc lợn và hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh. Thành quả công tác chăn nuôi và trồng trọt của nhà trường liên tục duy trì với 6 chuồng gồm 45 đến 50 con. Đặc biệt nhà trường vẫn tiếp tục chú trọng phát triển đàn lợn đen bản địa Bắc Hà. Khu vực trồng rau xanh cũng được liên tiếp, luân phiên với tổng số diện tích đất trồng rau duy trì khoảng 500m2 với nhiều loại rau phù hợp theo mùa. Nguồn thu hoạch rau xanh hàng năm ước tính cũng lên tới hàng chục triệu đồng, đáp ứng ½ lượng rau sạch cung cấp cho bếp ăn tập thể phục vụ học sinh.
Hiệu quả đem lại từ mô hình là nguồn thực phẩm sạch được tăng cường trong các bữa ăn của học sinh. Ngoài ra, các em còn được giáo dục kỹ năng sống, tình yêu lao động, ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, tự lập, tích cực và đặc biệt là lòng tự hào về mái trường nội trú thân yêu. Ngoài ra mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” đã thúc đẩy, định hướng cho học sinh tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Từ thực tế chăm sóc đàn lợn với, các em học sinh đã nảy sinh ý tưởng làm máy dọn phân gà. Dự án nghiên cứu khoa học này đã tham dự vòng thi ý tưởng, được lựa chọn tiếp tục tham dự vòng thi cấp tỉnh năm 2016 và đạt giải ba cấp tỉnh, dự án “Ứng dụng trồng rau mầm cho các trường thực hiện mô hình: Trường học nông trại” của học sinh khối 8 đạt giải ba cấp tỉnh năm 2017. Năm 2018- 2019 tiếp tục có nhiều dự án NCKH tham gia cấp tỉnh, tiêu biểu như dự án “ Nghiên cứu lựa chọn giống dưa chuột trồng ứng dụng công nghệ cao cho năng suất cao phù hợp với trồng trái vụ ở Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai” của nhóm học sinh lớp 11, dự án “Hệ thống tưới rau tự động thông minh” do nhóm học sinh lớp 9 thực hiện. Các dự án trên đều đã được đánh giá là có tính khả thi cao, có khả năng áp dụng vào thực tiễn và đặc biệt khẳng định hiệu quả của mô hình “Trường học gắn với thực tiễn”. Điều này đã lan tỏa tới toàn thể CBGV và học sinh trong toàn trường, thúc đẩy tinh thần nghiên cứu, khám phá của học sinh dân tộc nội trú.
 Dự án “Hệ thống tưới rau tự động thông minh” chạy thử nghiệm tại mô hình trường.

Đến nay, trường PTDT Nội Trú THCS và THPT Bắc Hà đã xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá; bước đầu tập hợp tài liệu nhằm biên soạn thành bộ tài liệu phục vụ dạy học gửi cấp trên thẩm định. Các nội dung về trồng trọt, chăn nuôi đã được tích hợp trong nhiều môn học của nhà trường như: Công nghệ, Sinh, Hóa, Địa, Lý, Toán, Văn… Các hoạt động xây dựng mô hình đã, đang giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên hiểu và từng bước có nhận thức mới về đổi mới căn giáo dục và đào tạo. Thông qua hoạt động xây dựng mô hình, học sinh được trải nghiệm thực tiễn, được giáo dục kỹ năng sống, giáo dục tình yêu lao động, ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, ý thức tự lập và tích cực, chủ động, sáng tạo trong cuộc sống. Việc xây dựng mô hình nhà trường đã tác động và làm thay đổi cảnh quan trường lớp, tác động tốt đến ý thức, thái độ của học sinh trong việc xây dựng trường học sạch, đẹp, an toàn. Chất lượng bữa ăn của học sinh được nâng lên, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Mô hình “Trường học Nông trại” của nhà trường được các trường trong tỉnh và các tỉnh bạn đến Tham quan, học tập kinh nghiệm…. 

Học sinh chăm sóc rau sau giờ học
Nhà trường tận dụng từng mét đất để trồng rau
Học sinh trải nghiệm chăm sóc Hành 
Học sinh chăm sóc đàn lợn
Bên cạnh việc thực hiện mô hình “Trường học gắn với thực tiễn”, nhà trường còn tổ chức hiệu quả các câu lạc bộ để góp phần hình thành năng lực và phẩm chất của người học. Câu lạc bộ (CLB) theo sở thích của học sinh là một trong những hình thức hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Khi tham gia hoạt động của CLB, ngoài mục tiêu rèn luyện khả năng tự chịu trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm; học sinh còn được định hướng, trải nghiệm các nội dung học tập để khám phá bản thân và phát triển năng khiếu. Thông qua hoạt động của các CLB, giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh hiểu và quan tâm hơn đến nhu cầu nguyện vọng và mục đích chính đáng của học sinh.
Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, trường PTDT Nội Trú THCS và THPT Bắc Hà đã thành lập các CLB theo sở thích của học sinh như: CLB NCKH, các CLB thể thao (Bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, đá cầu, cầu lông...); CLB trò chơi dân gian; CLB khéo tay (CLB cắt tóc, CLB thêu, đan...)
Các Câu lạc bộ được thành lập và hoạt động hiệu quả, góp phần giáo dục kỹ năng sống. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường như: CLB bóng chuyền, CLB cầu lông, CLB đá cầu, CLB bóng đá... trong đó một CLB mới xuất hiện thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh đó là “Câu lạc bộ cắt tóc”. 
 
CLB cắt tóc của Đoàn thanh niên
         Người sáng lập và tổ chức hoạt động CLB cắt tóc đồng thời là chủ nhiệm CLB là bí thư Đoàn trường - Thầy giáo trẻ Trần Hữu Hải. Xuất phát từ thực tế của học sinh nội trú sống xa gia đình, xa bố mẹ, hằng ngày, hàng tuần các em đều phải tự mình trang trải, sinh hoạt ăn ở bởi thế cắt tóc là một nhu cầu thiết yếu. Để thành lập CLB, Đoàn thanh niên đã tập hợp những học sinh khéo tay, có khả năng thẩm mĩ, có chút ít năng khiếu về cắt tóc ở các khối lớp từ lớp 9 đến lớp 12. Sau đó đầu tư trang thiết bị ban đầu như: Tông đơ, áo choàng, kéo, dao cạo, máy sấy.... Để tập huấn kỹ thuật cho học sinh, Đoàn thanh niên đã mời thợ cắt tóc chuyên nghiệp đến hướng dẫn cho các em học sinh trong vòng 1 tuần. Khi đã nắm được kỹ thuật cơ bản, các em tự cắt tóc cho nhau, cắt miễn phí trong 1 tháng đầu hoạt động để nâng cao tay nghề đồng thời để “Truyền nghề”. Các em có tay nghề tốt thì truyền nghề cho bạn khác có cùng niềm đam mê. Sau khi đã thành thạo, CLB thu phí với mức giá 5000đ/1 đầu để lấy kinh phí phục vụ CLB, mua sắm thêm các trang thiết bị và thỉnh thoảng CLB tổ chức liên hoan nhẹ để khuyến khích và mở rộng thêm  thành viên CLB. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, các nhóm học sinh có nhu cầu cắt tóc lại hồ hởi tập trung tại văn phòng Đoàn để được chỉnh trang ngoại hình với các kiểu tóc trẻ, đẹp, phù hợp với lứa tuổi học đường. Các em học sinh trong trường rất thích thú khi đến với CLB. Khi được hỏi tại sao em lại đến cắt tóc tại CLB của trường mà không ra hiệu cắt tóc, em Trương Quang Lực - Học sinh lớp 8B – vui vẻ với cái đầu mới toanh của mình “Em đến cắt tóc tại CLB của trường thuận tiện hơn vì không phải đi xa và quan tr
 ọng nhất là đến đây cắt tóc lại vui, an toàn vì thợ cắt tóc là các anh cùng trường và đặc biệt giá  lại rẻ cô ạ”. Có lẽ chính vì lí do đó mà CLB cắt tóc của trường ngày nào mở cửa “khách” cũng “Đông nghìn nghịt”. Có buổi CLB cắt được tới 20 đầu.
Câu lạc bộ khéo tay được thành lập từ tháng 10 năm 2018 với các hoạt động: Đan, thêu...góp phần giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng may vá, thêu thùa cho học sinh nữ cũng thu hút đông đảo học sinh tham gia.
 
Một buổi hoạt động của CLB khéo tay hay làm với nội dung: Thực hành đan khăn len

Khi tham gia các CLB, học sinh có cơ hội được thể hiện mình, được rèn luyện thường xuyên những năng lực, sở trường của bản thân. Không gian CLB sẽ trở thành môi trường lý tưởng chắp cánh những khả năng, sức sáng tạo của các em học sinh. Không những thế, khi các CLB được tiếp nối, duy trì, phát triển thì cũng đồng nghĩa với việc tạo dựng môi trường giáo dục thực sự là "an toàn", thân thiện. Để các em thêm gắn bó với trường, lớp, bè bạn, hạn chế thời gian dư thừa hoặc sa đà vào những trò chơi, thói hư, tật xấu... Không những vậy, hoạt động của các CLB còn giúp học sinh có sự chọn lựa nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp với năng lực, trình độ bản thân, cũng như điều kiện của gia đình. Với những hoạt động thiết thực, ngày càng có nhiều học sinh  sớm nhận thức, định hướng được con đường mà mình sẽ lựa chọn trong tương lai.
Nắm vững phương châm giáo dục "Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội". Hoạt động của các câu lạc bộ và các hoạt động trải nghiệm mà thầy và trò trường PTDT Nội Trú THCS và THPT Bắc Hà đã và đang thực hiện đã thực sự góp phần tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường theo đúng tinh thần nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Giá hoa do đoàn viên học sinh tự làm dưới sự hướng dẫn của thầy cô
(Học sinh tự làm giá sắt, tự ươm giống hoa và trồng)
Giá hoa của chi đoàn CBGV nhà trường
Học sinh trải nghiệm vẽ tranh tường
 
Học sinh trải nghiệm vẽ tranh trang trí lớp học
 
                                                                                                                                                       Tác giả: Vũ Ngọc Thủy - Chủ tịch công đoàn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image