Với phương châm “gắn trường học với thực tiễn”, mô hình “Trường học nông trại” được triển khai tại Trường PTDT Nội Trú THCS và THPT huyện Bắc Hà từ năm 2016. Thực hiện mô hình này, các em học sinh được tham gia nhiều hoạt động phong phú như: trồng và chăm sóc rau tại vườn rau nhà trường, chăm sóc lợn... Bằng cách tổ chức phù hợp với tâm lý học sinh, Nhà trường đã liên tục duy trì, phát triển đàn lợn đen bản địa Bắc Hà từ 45 - 50 con. Cùng với đó là khu vực trồng rau xanh bốn mùa do học sinh chăm sóc với tổng số diện tích khoảng trên 500m2. Sản lượng rau xanh thu hoạch thường xuyên bảo đảm trên 50% nhu cầu của bếp ăn tập thể phục vụ học sinh toàn Trường; giá trị kinh tế ước tính lên đến hàng chục triệu đồng mỗi năm.

    Không chỉ vậy, hiệu quả của mô hình trên còn giúp giáo dục cho học sinh kỹ năng sống, tình yêu lao động, ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, tự lập trong cuộc sống. Em Phàn Văn Đằng, học sinh lớp 10A chia sẻ: “Chúng em rất thích tham gia mô hình “Trường học nông trại”. Qua mô hình này, chúng em đã có thêm kiến thức, kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt để có thể phụ giúp người thân, gia đình”.

Học sinh Trường PTDT Nội Trú THCS và THPT huyện Bắc Hà chăm sóc rau xanh.

    Tìm hiểu được biết, mô hình “Trường học nông trại” còn được gắn với các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật, phát triển năng lực sáng tạo cho các em học sinh dân tộc thiểu số. Từ năm 2016 đến nay, nhiều dự án nghiên cứu khoa học của học sinh Trường PTDT Nội Trú THCS và THPT huyện Bắc Hà được khơi nguồn từ mô hình “Trường học nông trại” đã đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo do tỉnh Lào Cai tổ chức. Tiêu biểu như dự án “Máy dọn phân gà”; dự án “Ứng dụng trồng rau mầm”; dự án “Nghiên cứu lựa chọn giống dưa chuột trồng ứng dụng công nghệ cao cho năng suất cao phù hợp với trồng trái vụ ở Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai”; dự án “Hệ thống tưới rau tự động thông minh”… Từ kinh nghiệm nhiều năm thực hiện mô hình “Trường học nông trại”, các thầy cô và các em học sinh ngày càng có nhiều tìm tòi, cải tiến, sáng tạo và mở rộng nghiên cứu ra lĩnh vực môi trường  ngoài nhà trường. Mới đây nhất, dự án “Nghiên cứu ứng dụng tro trấu từ thóc nương đỏ xã Bản Liền, huyện Bắc Hà làm vật liệu biến tính xử lý nước ô nhiễm tại địa phương” - dự án của em Vàng Hà Phương và em Vàng Thị Thanh Diệp (lớp 9A), do cô giáo Thái Thị Thu Thảo hướng dẫn đã được trao giải Nhì tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh Lào Cai năm học 2021- 2022. Kết quả này cho thấy, mô hình "Trường học nông trại” đã thực sự đi vào thực tiễn; có ý nghĩa thôi thúc sự tìm tòi, sáng tạo của giáo viên và học sinh trong Nhà trường.

    Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện người học, Trường PTDT Nội Trú THCS và THPT Bắc Hà đã tổ chức hiệu quả các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ (CLB) trong Nhà trường. Bám sát điều kiện thực tiễn và nhu cầu của các em học sinh, Trường đã thành lập các CLB theo sở thích của học sinh như: CLB thể thao (Bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, đá cầu, cầu lông...); CLB trò chơi dân gian; CLB cắt tóc, CLB thêu, đan... Khi tham gia hoạt động của CLB, ngoài mục tiêu rèn luyện khả năng tự chịu trách nhiệm, kỹ năng làm việc nhóm; học sinh còn được định hướng, trải nghiệm các nội dung học tập để khám phá bản thân và phát triển năng khiếu. Thông qua hoạt động của các CLB, giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh hiểu và quan tâm hơn đến nhu cầu nguyện vọng và mục đích chính đáng của học sinh. Đơn cử như với mô hình CLB cắt tóc, các chi đoàn khối lớp 9 đến lớp 12 đã lựa chọn những học sinh khéo tay, có năng khiếu; Đoàn trường đầu tư trang thiết bị ban đầu như: Tông đơ, áo choàng, kéo, dao cạo, máy sấy.... và mời thợ cắt tóc chuyên nghiệp đến hướng dẫn cho các trong vòng 1 tuần. Khi đã nắm được kỹ thuật cơ bản, các em tự cắt tóc cho nhau, thời gian đầu là cắt tóc miễn phí; sau khi đã thành thạo, CLB thu phí với mức giá 5000đ/lần cắt để lấy kinh phí phục vụ CLB, mua sắm thêm các trang thiết bị… Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, các nhóm học sinh có nhu cầu cắt tóc lại hồ hởi tập trung tại văn phòng Đoàn để được chỉnh trang ngoại hình với các kiểu tóc trẻ, đẹp, phù hợp với lứa tuổi học đường.

Học sinh tham gia Câu lạc cắt tóc. (Ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát).

    Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Trần Hữu Hải, Bí thư Đoàn Trường PTDT Nội Trú THCS và THPT huyện Bắc Hà cho biết: “Xuất phát từ thực tế của học sinh nội trú thường xuyên sống xa gia đình, xa bố mẹ, học tập, sinh hoạt ở Trường nên việc tổ chức các mô hình câu lạc bộ không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích mà còn giúp các rèn luyện sức khỏe, rèn luyện kỹ năng sống; gắn bó hơn với trường, lớp, bè bạn; hạn chế nguy cơ bị lôi kéo vào những hoạt động tiêu cực…”.

    Có thể thấy, những mô hình giáo dục giàu tính thực tiễn tại Trường PTDT Nội Trú THCS và THPT huyện Bắc Hà là sự cụ thể hóa phương châm "Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội". Hiệu quả từ các mô hình này đã góp phần tạo lên môi trường sư phạm kiểu mẫu, giúp học sinh có điều kiện phát triển về cả nhận thức, kiến thức và kỹ năng hoạt động thực tiễn, kỹ năng hoạt động thực tiễn. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của Nhà trường theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.

                                                                                                                                                                                 Theo Báo điện tử (ĐCSVN)